• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

Tỉnh hội Bắc Giang tổ chức Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm điển hình tiên tiến

Ngày 5/6/2025, Tỉnh hội Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm điển hình tiên tiến tôn vinh NNCĐDC vượt khó vươn lên, cán bộ Hội xuất sắc trong các phong trào thi đua Phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam”, đồng thời tri ân đối với các nhà hảo tâm đã “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” trong giai đoạn 2020 -2025.  

Dự Hội nghị có: bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, ông Thân Văn Nghiệp, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo Hội Cựu chiến binh và lãnh đạo các Tổ chức Hội trong khối thi đua cấp tỉnh, các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh hội; Chi hội trưởng, đơn vị trực thuộc và cán bộ các ban của Tỉnh hội; các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; các đồng chí lãnh đạo của 10 Hội huyện, thị xã, thành phố và 14 đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc nhất trong toàn tỉnh.

Bà Ma Thị Thìn Nga, Ủy viên BCH Trung ương Hội, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh trình bày báo cáo đã khẳng định: 14 đại biểu là những tấm gương điển hình xuất sắc, những “bông hoa đẹp” trong “vườn hoa đẹp” trong Phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam”, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở địa phương; những tập thể, cá nhân, cán bộ hội tiêu biểu được tôn vinh hôm nay sẽ tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới ở quê hương, đạt kết quả và có tính lan tỏa trong cộng đồng. Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm điển hình tiên tiến là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

 

Ông Thân Văn Nghiệp, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Thân Văn Nghiệp, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy biểu dương và đánh giá cao Phong trào thi đua nạn nhân chất độc da cam của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh giai đoạn 2020-2025; biểu dương 14 điển hình xuất sắc đã nỗ lực vượt khó vươn lên, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, bản thân là NNCĐDC luôn phát huy phầm chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”; là những cán bộ Hội xuất sắc ở cơ sở đã tận tụy, trách nhiệm  làm tốt công tác Hội, cùng chung tay “Vì nạn nhân chất độc da cam” trong những năm qua.

 

Bà Ma Thị Thìn Nga, Ủy viên BCH Trung ương Hội, Chủ tịch Tỉnh hội trình bày báo cáo tại Hội nghị

Nổi bật là công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng: Năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo hỗ trợ 130 gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 731 triệu đồng. Năm 2023, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo giúp đỡ 156 gia đình nạn nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,33 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc, hỗ trợ NNCĐDC là nhiệm vụ then chốt và xuyên suốt trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đạt trên 59,6 tỷ đồng, gồm: 76.564  suất quà, 135 căn nhà tình nghĩa, 263 xe lăn, cấp 127 suất học bổng, 12.722 lượt người khám chữa bệnh và nhiều hình thức khác. Kết quả chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC năm sau luôn cao hơn năm trước (kết quả giai đoạn 2020 -2025 đạt gần 50% so với giai đoạn từ năm 2005 -2020). Các địa phương điển hình trong công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC : thị xã Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lục Ngạn, Yên Dũng, Lạng Giang và TP Bắc Giang. Kết quả trong 5 năm, các cấp hội toàn tỉnh vận động xây dựng Quỹ NNCĐDC/dioxin và Quỹ tình nghĩa ở cơ sở đạt trên 52 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, Tỉnh hội luôn bám sát sự chỉ đạo và phát động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Trung ương Hội và Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh. Công tác triển khai, phát động các phong trào được tổ chức chặt chẽ, nề nếp, bài bản và nghiêm túc, góp phần khích lệ, thúc đẩy các phong trào thi đua của Hội. Tiêu biểu là những phong trào thi đua với 3 mô hình điển hình sau:

Mô hình điển hình tiên tiến thứ nhất:  NNCĐDC tiêu biểu nhất, đồng thời  vừa là cán bộ Hội cơ sở xuất sắc trong Phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam”. 

Hầu hết nạn nhân và gia đình nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người còn đặc biệt khó khăn, nhưng từ khi thành lập hội cấp cơ sở đến nay đã gần 20 năm, tuy hội cơ sở không được bố trí thù lao, nhưng nhiều cán bộ đã tự lực vượt qua hoàn cảnh, tận tụy, sáng tạo trong công tác hội. Cán bộ hội luôn cải tiến phương pháp làm việc, vận dụng thực tiễn tốt;  lắng nghe, kết hợp chặt chẽ các tổ chức chính trị - xã hội; đề cao tính gương mẫu của người cán bộ chủ chốt; duy trì nề nếp hoạt động theo quy chế. Kết hợp chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (phường, xã...) nắm chắc số đối tượng mới được hưởng chế độ NNCĐDC. Tuyên truyền Chỉ thị 43-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng, qua đó cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể, tổ dân phố tự nguyện tham gia hội.

Điển hình như:  ông Vũ Văn Dũng, xã Quý Sơn, thị xã Chũ; ông Đào Tiến Sữa, xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam; ông Trần Anh Sáng, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa; ông Nguyễn Minh Tâm, xã Yên Lư, TP.Bắc Giang; ông Nguyễn Xuân Trường, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên; ông Đào Phúc Tấn, Thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên; ông Phạm Thế Hùng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế.

   Ông Vũ Văn Dũng, NNCĐDC, Chủ tịch Hội xã Quý Sơn, thị xã Chũ phát biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị.

Các điển hình tiên tiến như: ông Đỗ Văn Khúc, phường Nếnh, thị xã Việt Yên; ông Thân Thái Thiệu, xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa; ông Nguyễn Minh Tám, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang; ông Nguyễn Quang Thẩm, xã Phượng Sơn, thị xã Chũ; ông Phan Văn Phú, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động; ông Lương Ngọc Trung, phường Trần Phú, TP. Bắc Giang.

Nhiều nạn nhân không chỉ tận tụy với công tác hội mà còn đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng.


Ông Đỗ Văn Khúc, Chủ tịch Hội phường Nếnh, thị xã Việt Yên tham luận tại Hộị nghị.        

Mô hình điển hình tiên tiến thứ hai:  Phong trào NNCĐDC vượt khó vươn lên, làm kinh tế giỏi, giúp đỡ nhiều hội viên, nạn nhân, tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.   

Phát huy phầm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng nghị lực phi thường, nhiều nạn nhân không cam chịu đói nghèo, không ngồi chờ chính sách đãi ngộ, luôn trăn trở vươn lên làm giàu chính đáng cho mình, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho đồng đội, sẻ chia kinh nghiệm phát triển kinh tế cho nhiều hội viên có thu nhập ổn định, tính lan tỏa cao trong cộng đồng. Tiêu biểu là: ông Trần Anh Sáng, Chủ tịch Hội NNC xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, bản thân ông là NNCĐDC trực tiếp và 2 con trai của ông bị di chứng, ông đã vượt khó vươn lên từ kinh tế mô hình ao - chuồng, thu nhập 300-400 triệu/năm; đã hỗ trợ vốn, giống cho hội viên, NNCĐDC ở địa phương. 


Ông Trần Anh Sáng, NNCĐDC, Chủ tịch Hội xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, phát biểu tại Hội nghị.

Tiêu biểu là ông Phạm Thế Hùng, NNCĐDC, Chủ tịch Hội Đông Sơn, huyện Yên Thế đã nuôi chim Nhật, bồ câu Pháp có thu nhập từ 60 đến 75 triệu đồng/năm. Đặc biệt, ông đã tuyên truyền nhiều hội viên và gia đình phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Minh Tâm, là NNCĐDCChủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Yên Lư, thành phố Bắc Giang: ông và gia đình đã vượt khó làm kinh tế gia đình chăn nuôi lợn, gà thu nhập từ 75 – 90 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Xuân Trường, NNCĐDC, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Liên Sơn, huyện Tân Yên; có 03 người con đều bị di chứng của chất độc hóa học. Bản thân ông Trường đã vượt khó vươn lên, khi được hỗ trợ vốn ban đầu, phát triển làm kinh tế chăn nuôi thu nhập từ 35 đến 40 triệu đồng/năm. Ông Trần Nhật Lãng, là NNCĐDC, hội viên, Lương y mở phòng khám Đông y ở huyện Yên Thế; hằng năm nhân dịp Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người bệnh là thương binh, NNCĐDC, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ và Ngày 1/10 những người trên 70 tuổi, những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn…vv.

   

Ông Phạm Thế Hùng phát biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị.

Mô hình điển hình tiên tiến thứ ba:  NNCĐDC, cán bộ Hội đi đầu trong Phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, gương mẫu trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”            

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của Phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, nhiều nạn nhân, hội viên có nhiều đóng góp cùng địa phương xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp bằng nhiều cách làm khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Luôn  thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các cấp hội đã tích cực, chủ động tham gia với nhiều việc làm thiết thực hiệu quả, thực hiện nghiêm túc. Tiêu biểu là: ông Thân Thái Thiệu, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa; gia đình ông  hiến 120m2 đất ruộng làm sân bóng của thôn và ủng hộ 50 triệu đồng xây 100m mương thoát nước bằng bê tông trên đường trục liên thôn. Ông Trần Anh Sáng, NNCĐDC, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa; ông Phạm Thế Hùng, NNCĐDC, Chủ tịch Hội xã Đông Sơn, huyện Yên Thế; ông Nguyễn Xuân Trường, NNCĐDC, Chủ tịch Hội xã Liên Sơn, huyện Tân Yên; ông Đào Tiến Sữa, NNCĐDC, Chủ tịch xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam; ông Nguyễn Minh Tám, Chủ tịch Hội xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang; ông Nguyễn Quang Thẩm, Chủ tịch Hội xã Phượng Sơn, Thị xã Chũ và ông Lương Ngọc Trung, phường Trần Phú, TP. Bắc Giang cùng hội viên tham gia  phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, tham gia hiến 1.200 m2 đất, 525 ngày công, trồng được 812 cây xanh...

Bà Ma Thị Thìn Nga, trân trọng cảm ơn, tri ân sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… với trách nhiệm, nghĩa tình và “Tấm lòng vàng” đã chung tay, góp sức làm việc nghĩa, đồng hành cùng tổ chức Hội các cấp, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Thành quả đạt được của Hội nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Hội, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ủy ban MTTQ, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội  chung tay của các tập thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, hội viên, NNCĐDC trong tỉnh, đặc biệt là các nạn nhân và gia đình nạn nhân điển hình tiên tiến, gương mẫu, tiêu biểu đã vượt lên số phận, với nhiều cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, ổn định đời sống.

 Tại Hội nghị, Tỉnh hội tặng Giấy khen và quà tặng cho 14 điển hình tiên tiến. Tỉnh hội tặng Kỷ vật Tôn vinh cho các tập thể, doanh nghiệp đã đồng hành, chung tay “xoa dịu nỗi đau da cam”.

Bà Diêm Hồng Linh (thứ 3 từ phải sang), bà Ma Thị Thìn Nga (áo dài đỏ) trao tặng Giấy khen và quà cho các điển hình tiên tiến tại hội nghị.

 

Bà Diêm Hồng Linh và Lãnh đạo Tỉnh hội trao tặng Giấy khen và tặng quà cho các điển hình tiên tiến tại hội nghị.

       

Bà Diêm Hồng Linh và Lãnh đạo Tỉnh hội trao tặng Kỷ vật Tôn vinh cho tập thể, nhà tài trợ đã “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã và đang bằng nhiều giải pháp, hành động thiết thực bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi cho các nạn nhân da cam. Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở cũng đang thể hiện rõ nét vai trò là cầu nối, gắn kết cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội cùng “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, tiếp thêm động lực, niềm tin để các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống. Trên tinh thần “ Đổi mới - hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, chăm lo đời sống nạn nhân theo hướng bền vững, thể hiện truyền thống nhân ái và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.  

                                                                           Linh Hoa
Tỉnh hội Bắc Giang

 

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

    Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

    Theo kế hoạch, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ...