• Quảng cáo: 0246.265.2654
Tiếng Việt
English
logo
ĐOÀN KẾT - NGHĨA TÌNH - TRÁCH NHIỆM - VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỔI MỚI VỚI “CUỘC CÁCH MẠNG” SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY HIỆN NAY

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”, trong đó có tư tưởng về đổi mới. Đó là nền tảng, định hướng quan trọng để Đảng ta thực hiện “cuộc cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới không thể hiện riêng biệt thành chương mục hoặc một vấn đề cụ thể nào, mà thấm đẫm trong toàn bộ tư tưởng và hành động của Người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đổi mới là bản chất của cách mạng, đổi mới để phát triển. Trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Người chỉ rõ: “Kách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[1]. Mục tiêu lớn nhất trong tư tưởng đổi mới của Hồ Chí Minh là đánh đổ đế quốc, phong kiến để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh; xây dựng xã hội mới do nhân dân làm chủ. Vì thế đổi mới trước hết là vì nhân dân, để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Ngay từ khi hình thành tư tưởng đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã không chọn con đường như các bậc tiền bối Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã làm (dựa vào sự bảo hộ của ngoại quốc), mà tìm con đường mới “đem sức ta giải phóng cho ta” để dân tộc Việt Nam được hưởng độc lập thật sự, không còn lệ thuộc ngoại quốc. Khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã nhận thấy đây là con đường đúng đắn nhất để “giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp”. Tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam họp tại bán đảo Cửu Long (Trung Quốc) từ ngày 6/1 - 7/2/1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời xác định đường lối chiến lược là “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2]. Đường lối đó đã thể hiện rõ tư tưởng đổi mới, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động nhất của tư tưởng đổi mới; trước những thay đổi của tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, Người luôn có những chỉ đạo sâu sắc với những phương pháp giải quyết mới phù hợp nhất. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tư tưởng đổi mới được kết tinh trong đường lối: toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, dựa vào sức mình là chính; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại... Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng đổi mới đó phát triển đến đỉnh cao, thể hiện trong đường lối “Giương cao hai ngọn cờ: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc”. Đường lối đó thể hiện sự sáng tạo với “tính mới” và “tính thực tiễn” rất cao, góp phần quyết định đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng sóng gió đến bến bờ vinh quang. 

Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Người chỉ rõ: phải xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng Nhà nước pháp quyền và các tổ chức xã hội do chính họ lập ra và quản lý. Theo đó, nhân dân vừa là người bầu ra chính quyền các cấp, vừa là người kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị. Tư tưởng đó của Hồ Chí Minh được Đảng ta đúc kết thành cơ chế quản lý, điều hành: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Cơ chế đó được Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phát huy, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền các cấp. Người khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền”[3]; “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân..., chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[4]. Vì thế, Người thường xuyên nhắc cán bộ, đảng viên phải coi mình là người đầy tớ của nhân dân: “Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước”[5].

Quá trình xây dựng chính quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất của mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: Để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững, bởi: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”[6]. Trong Di chúc, Người căn dặn: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"[7].

Như vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đổi mới thể hiện nổi bật cả trong chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam, trong xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa và trong giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam để Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay.

Hội nghị mang tính lịch sử, quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng, đột phá trong giai đoạn mới của đất nước

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước; trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế để tạo ra động lực mạnh mẽ giải phóng mọi năng lực sản xuất, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển kinh tế hàng hoá… Từ đó đến nay, đường lối đổi mới của Đảng ngày càng hoàn thiện và khẳng định vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những nội dung được Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[8]

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Quá trình thực hiện đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu quả, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mô hình chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) không còn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước…

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã chủ trương tổng kết và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW lên một bước mới, trở thành “cuộc cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đây là chủ trương đúng đắn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, cũng là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vì sự phát triển cường thịnh của đất nước, để phục vụ nhân dân được tốt hơn; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[9], “cái gì có lợi cho dân thì phải cố làm cho được”[10]...

 

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng (khoá XIII)

Ngày 10/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã khai mạc. Đây là Hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề đặc biệt quan trọng, đột phá trong giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh mục tiêu của cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là: để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn; xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới. Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không chỉ là cắt giảm một cách một cách cơ học (giảm số lượng các tổ chức và con người trong tổ chức), mà quan trọng hơn là để nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả công việc; sáp nhập là để tạo ra dư địa, không gian mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích của nhân dân. Trong đó trọng tâm là thực hiện: Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Đề án về hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương; Đề án về sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; các đề án về sắp xếp các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát; các đề án về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành điều lệ Đảng, các quy định về kiểm tra, giám sát của Đảng. Cùng với đó, Hội nghị còn thông qua một số nội dung cụ thể, như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2023, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hoàn thiện thể chế pháp luật và các quy định... nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện.

Khẩn trương, quyết liệt đưa nghị quyết vào thực tiễn

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 11, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện các đề án về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp mình, đơn vị mình; tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng quy định về quy trình, tiến độ đề ra, gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Quá trình thực hiện, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã lấy ý kiến nhân dân ở những đơn vị hành chính có tổ chức sáp nhập. Thực tế cho thấy, “cuộc cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của đất nước đã và đang nhận được sự quan tâm rất nhiều của nhân dân; đại đa số nhân dân nhất trí cao với chủ trương này của Đảng. Đó là cơ sở, nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng, Nhà nước ta quyết tâm, quyết liệt thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Đây cũng là biểu hiện rõ nhất, điển hình nhất sự hội tụ giữa "ý Đảng" với "lòng dân" theo tư tưởng của Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, càng khó khăn, thử thách mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa “Đảng với dân, dân với Đảng” lại càng bền chặt, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy và tỏa sáng.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trước hết mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sinh thời Bác đã căn dặn: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[11]. Trong bộ máy của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên luôn có vai trò, vị trí đặt biệt quan trọng, nên mỗi người phải tích cực nghiên cứu, học tập lý luận và học tập ở nhân dân: “Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”[12]. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Người nhấn mạnh yêu cầu: người lãnh đạo phải thực sự có trí tuệ, có đạo đức, thật sự công tâm, khách quan, vì sự nghiệp chung, vì lợi ích tối cao của nhân dân, của đất nước. Với các tổ chức đảng, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Đảng ta là đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên là những người nắm giữ nhiều cương vị chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nếu tổ chức không quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thì dễ dẫn đến nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng, đặc quyền đặc lợi, thoái hoá biến chất về đạo đức, lối sống. Điều đó đặt ra yêu cầu các tổ chức đảng phải coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị về phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, năng lực lãnh đạo, quản lý để họ thực sự là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của nhân dân; biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của quần chúng nhân dân, thấu hiểu lòng dân, nguyện vọng của dân, bởi: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[13].

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chủ trương tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay của Đảng; tiền phong, gương mẫu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh quyền lợi của cá nhân vì lợi ích “trăm năm” của dân tộc; có bản lĩnh chính trị, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, như Bác đã nói: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”[14]. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải là một tuyên truyền viên, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, tích cực truyền tải “ý Đảng” đến với “lòng dân”, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng, ý chí, quyết tâm của toàn dân, cùng chung sức, đồng lòng với Đảng trong “cuộc cách mạng” đầy ý nghĩa và không kém phần gay go, quyết liệt này.

Một vấn đề quan trọng là phải tăng cường lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; bởi, thực tiễn đã chỉ rõ: sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là nhân tố quyết định để bảo đảm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”; bảo đảm cho hệ thống chính quyền các cấp có đủ khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Trong Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (16/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vác được trọng trách lịch sử của đất nước trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân.

Quá trình thực hiện, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy còn phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; kịp thời phát hiện, khắc phục những khuyết điểm, sai sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị mình, như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kiểm tra phải có hệ thống, nghĩa là khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn”[15].

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng là, mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động, tích cực đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam nói chung và chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nói riêng. Đã thành thông lệ, mỗi khi Đảng ta đưa ra những chủ trương lớn, các thế lực thù địch, bất mãn lại tìm mọi cách chống phá, gây chia rẽ. Và lần này cũng không ngoại lệ. Trong khi toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn dân ta quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thì các thế lực thù địch lại tập trung chống phá bằng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, đẩy mạnh xuyên tạc, tung ra những thông tin xấu độc, kích động sự nghi ngờ về chủ trương, mục tiêu của việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Chúng bịa đặt rằng: lợi dụng sắp xếp, tinh gọn bộ máy để cán bộ đấu đá nhau, gạt bỏ những người không cùng phe cánh. Rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền “mất dân chủ”, “chuyên chế”, “áp đặt”,... đó chỉ là “ý Đảng” chứ không phải “lòng dân”; rằng: tại sao tỉnh này sáp nhập, tỉnh kia không sáp nhập; bộ này giải thể, bộ kia không?... Đối tượng mà chúng hướng tới là những cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và những phần tử bất mãn, phản động... Mục tiêu lâu dài của chúng là: hạ thấp uy tín, vai trò của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, làm cho dân xa Đảng, đối lập dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiến tới xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đáng tiếc là một số cán bộ, đảng viên vẫn mơ hồ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khi lợi ích cá nhân bị ảnh hưởng đã có suy nghĩ “lệch chuẩn”, vô tình hoặc cố ý cổ súy cho luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Vì thế, trước hết mỗi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên; kịp thời cung cấp những thông tin chính thống để định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấu suốt quan điểm, chủ trương của Đảng, thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đi đầu trong đấu tranh với các luận điệu chống phá đó. Cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, nghiệp vụ để quản lý thông tin, chủ động ngăn chặn sự lan truyền những luận điệu sai trái, thù địch. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bởi sự nghiệp cách mạng không của riêng ai, mà của toàn thể xã hội, các tầng lớp nhân dân; “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”[16].

*

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đổi mới tiếp tục soi sáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Để thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, đảng viên và cả hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII) đã quyết nghị, góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Đại tá, ThS Nguyễn Mạnh Dũng

[1] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 2, tr.284

[2] - Sđd,  Tập 3, tr.1

[3] - Sđd, Tập 5, tr.501

[4] - Sđd, Tập 6, tr.232

[5] - Sđd, Tập 14, tr.285.

[6] -, Sđd, Hà Nội, 1995, Tập 7, tr.397

[7] - Sđd, Tập 12, tr.510.

[8] - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, H.2021, Tập 1, tr.174

[9] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2011, Tập 5, tr.112. 

[10] - Sđd, Tập 4, tr.51.

[11] - Sđd, Tập 2, tr.289.

[12] - Sđd, Tập 10, tr.377.

[13] - Sđd, Tập 10, tr. 453

[14] - Sđd, Tập 5, tr.315

[15] - Sđd, Tập 5, tr.637.

[16] - Sđd, Tập 12, tr. 587.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Tin khác

    Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Thái Lan

    Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Thái Lan

    Chiều 16-5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ tư nội các chung Việt Nam-Thái Lan.   ...