
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo.
Ông Nguyễn Cao Sơn tham gia công tác trong ngành y tế từ năm 1985, rồi đến năm 1988 ông được phân công làm trưởng Trạm Y tế xã Lương Hòa Lạc , huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho đến lúc nghỉ hưu trí (1992) và chuyển sang làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (2003- 2019) và đến nay ông là Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Lương Hòa Lạc. Có thể nói rằng, suốt chặng đường dài công tác tại địa phương ông đã gắn bó với các hoạt động xã hội- từ thiện nơi đây, miệt mài với công việc và cống hiến hết sức mình cho nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở địa phương, nhất là nạn nhân chất độc da cam - những người thường mắc bệnh nạn y và nghèo khó. Trong quá trình công tác và làm việc của người cán bộ ngành y ông hành động theo phương trâm “Lương y như từ mẫu” khi hoạt động Hội, ông Cao Sơn cùng Ban chấp hành Hội làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể để nâng cao chất lượng hoạt động Hội. Ở xã Lương Hòa Lạc hiện có 59 NNCĐDC, ông thường đến thăm hỏi từng gia đình nạn nhân, ông nắm chắc tình hình sức khỏe, cuộc sống của họ, đặc biệt là những nạn nhân bệnh nặng. Đối với ông Nguyễn Cao Sơn, hầu như những con đường dẫn đến các gia đình nạn nhân khó khăn, bệnh tật nghèo khó ông đều thuộc lòng. Qua nhiều năm công tác gắn bó vùng quê nơi đây ông đã nắm chắc từng hoàn cảnh và cuộc sống của những gia đình nạn nhân và mức độ thương tật của mỗi người để kịp thời có biện pháp chăm sóc, giúp đỡ, làm tốt vai trò, nhiệm vụ của Hội. Người dân Lương Hòa Lạc dễ dàng bắt găp hình ảnh của ông Cao Sơn trong những ngày “trái gió trở trời”, dù không có tiền thù lao hoặc khoản trợ cấp nào trong hoạt động của Hội, ở độ tuổi ngoài “lục tuần” rồi mà ông không ngại nắng mưa vẫn thường xuyên đến những nạn nhân đặc biệt khó khăn ân cần thăm hỏi, động viên, an ủi và giúp đỡ kịp thời. Ông luôn có mặt trong các buổi thăm hỏi, tặng quà, trao nhà tình thương, nhà “Mái ấm da cam” cho nạn nhân. Và thường xuyên nhất là đến thăm hói, động viên những gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn. Chẳng hạn như gia đình nạn nhân Nguyễn Huỳnh Châu, ấp Lương Phú C; nạn nhân Lê Minh Hoàng, ấp Lương Phú B; nạn nhân Trần Minh Huy, ấp An Lạc A; nạn nhân Hồ Văn Bảy, ấp Lương Phú A…Đối với những gia đình nạn nhân nghèo khó, bệnh nặng có ông đến thăm như tiếp thêm nghị lực và sức sống cho họ trong lúc khó khăn, vì ngoài nhiệm vụ của Hội, ông Cao Sơn với nhiều năm hoạt động trong lãnh vực y tế, đam mê làm nghề thầy thuốc chữa bệnh và chăm lo sức khỏe cho mọi người nên đã có nhiều nạn nhân được ông hướng dẫn sử dụng thuốc men, cách chăm sóc và điều trị bệnh một cách tận tình, từ đó mỗi khi trong xã có nạn nhân đau yếu, bệnh tật hoành hành, đời sống đang gặp khó khăn, bế tắc… là người dân luôn nhắc đến ông Cao Sơn.
Ông Nguyễn Cao Sơn, tâm sự: “Trong nhiều năm đã qua, dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào tôi cũng cố gắng khắc phục để vượt qua và làm tốt công tác Hội, giúp đỡ được càng nhiều nạn nhân càng tốt, bởi họ quá khổ, hầu hết là gia đình thuộc dạng nghèo. Tôi thường xuyên đi xuống các ấp trong xã, được đến thăm nhiều gia đình nạn nhân và tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của bàn thân mình và các anh em trong Hội phải làm gì đó để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân một cách thiết thực nhất, kịp thời nhất, nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Muốn vậy, theo tôi ngoài việc xây dựng, kiện toàn tổ chức Hội để ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay, điều quan trọng là phải biết tham mưu với lãnh đạo địa phương tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoạt động. Đồng thời tăng cường vận động nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, nỗ lực để Hội giữ vai trò là cầu nối gắn kết những tấm lòng nhân ái với nạn nhân, tạo cơ hội giúp họ vượt qua nỗi đau da cam, sống chan hòa với cộng đồng, xã hội. Có nắm sát hoàn cảnh từng gia đình nạn nhân, qua đó tôi mới có điều kiện làm tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định đối với nạn nhân…”.
Là người luôn nhiệt tình, tâm huyết với Hội trong hoạt động và những việc làm giàu lòng nhân ái, trách nhiệm, nghĩa tình cùa ông Nguyễn Cao Sơn trong thời gian qua đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Nơi đây, nhất là những gia đình nạn nhân chất độc da cam đang cần sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ. Bất cứ việc gì có liên quan đến nạn nhân chất độc da cam đều có mặt ông Cao Sơn cho nên người dân ở Lương Hòa Lạc có câu nói: “Hội cần, Cao Sơn có- nạn nhân khó, có Cao Sơn ”. Sự nhiệt tình công tác và cống hiến của ông Nguyễn Cao Sơn trong hoạt động Hội nhiều năm qua được Tỉnh hội, Huyện hội, cấp ủy, chính quyền xã Lương Hòa Lạc đánh giá cao và tặng nhiều Giấy khen, biểu dương, tôn vinh ông coi ông là tấm gương sáng để cán bộ Hội noi theo thực hiện tốt hoạt động xã hội - từ thiện đã góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Lê Huỳnh
(Hội tỉnh Tiền Giang)
Bình luận